Danh sách dược sĩ tư vấn Danh sách nhà thuốc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800 1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Triển vọng đẩy lùi ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch

Thứ ba, 11-02-2020 15:30 PM

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo khoảng 18 triệu người phát hiện mắc ung thư trong năm 2018, gần 10 triệu trong số này tử vong. Ung thư có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển. Tốc độ gia tăng của các căn bệnh ung thư trên toàn cầu khiến cho các nhà khoa học và bác sĩ đang phải ngày đêm chạy đua để chống lại con quái vật mang tên ung thư. Rất nhiều liệu pháp điều trị ung thư đã được ra đời từ điều trị thuốc uống đến hóa trị, xạ trị, và hiện nay, liệu pháp miễn dịch đang tiếp tục mở ra nhiều hướng điều trị ung thư hiệu quả.

 

Sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch được xem là đột phá trong điều trị ung thư. Ý tưởng huy động hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư này đã được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Năm 1990, giáo sư James P.Allison (Mỹ) tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là chốt kiểm trong hệ miễn dịch. Hai năm sau Tasuku Honjo (Nhật Bản) tìm ra chốt kiểm thứ hai. Liệu pháp miễn dịch dựa trên khám phá của giáo sư Tasuku cũng chứng tỏ hiệu quả trong việc đẩy lùi ung thư. Hai nhà khoa học này được trao giải Nobel 2018 công bố hôm 1/10 nhờ công trình nghiên cứu này.

Đến nay các nhà nghiên cứu đã tìm ra những chốt kiểm miễn dịch như CAL4, PD1, PD-L1. Từ đó họ bắt tay điều chế được những loại kháng thể đơn dòng nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Phương pháp điều trị này gọi là liệu pháp miễn dịch.

 

Triển vọng đẩy lùi ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch

Hình ảnh: Cơ chế điều trị ung thư của liệu pháp miễn dịch

 

  • Vai trò của tế bào T trong cơ thể

Để hiểu về cơ chế hoạt động của liệu pháp miễn dịch, trước hết cần nói đến tế bào T.

Theo Trung tâm Điều trị Ung thư Mỹ, tế bào T cùng các tế bào miễn dịch khác được ví như lực lượng cảnh sát của cơ thể.

Khi tế bào lạ xâm nhập, chúng nhận thông báo qua hàng loạt tín hiệu và lập tức can thiệp, cũng giống như cảnh sát được thông báo qua radio. Gặp tế bào lạ, tế bào T sẽ "rà soát" protein trên bề mặt tế bào, tương tự việc kiểm tra thẻ căn cước.

  • Nếu các protein cho thấy tế bào lành và khỏe mạnh, tế bào T chấp nhận để yên.
  • Ngược lại, nếu các protein lộ ra là tế bào nhiễm trùng mang bệnh, tế bào T lập tức phát lệnh tấn công. Lúc này, hệ miễn dịch tăng cường một loại phân tử gọi là chốt kiểm soát miễn dịch nhằm ngăn tế bào miễn dịch tấn công tế bào bình thường của cơ thể.

 

  • Mối liên hệ giữa tế bào T và tế bào ung thư

Bằng cách truyền tín hiệu đến các chốt kiểm miễn dịch như CTLA-4 và PD-1, tế bào ung thư có khả năng đóng giả thành tế bào lành và qua mặ các tế bào T, khiến tế bào T không thể kích hoạt tấn công.

Chốt kiểm miễn dịch vô tình trở thành cái phanh, kìm hãm hoạt động của tế bào T, ngăn nó tiêu diệt tế bào ung thư.

 

  • Liệu pháp miễn dịch

Muốn đẩy lùi ung thư, cần hỗ trợ hệ miễn dịch phân biệt giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Muốn hệ miễn dịch làm được điều này, phải chặn "giao tiếp ngầm" giữa tế bào ung thư và chốt kiểm.

Các nhà nghiên cứu đã bào chế các chất ức chế chốt kiểm ra đời. Sự xuất hiện của các chất ức chế chốt kiểm giúp nhả phanh, tạo điều kiện cho tế bào miễn dịch thực hiện đúng nhiệm vụ.

Các loại thuốc ức chế chốt kiểm từ công trình nghiên cứu của giáo sư Allison và giáo sư Honjo cho thấy hiệu quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư đại tràng, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết.

Tập trung vào hệ miễn dịch thay vì khối u, liệu pháp này có tác dụng với nhiều dạng ung thư khác nhau và ít gây tổn thương cho cơ thể người bệnh hơn hóa trị, xạ trị.

Một số loại thuốc ức chế chốt kiểm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt như ipilimumab (Yervoy), pembrolizumab (Keytruda), nivolumab (Opdivo), atezolizumab (Tecentriq).

 

Năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận loại thuốc miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố melanoma. Những năm sau, các thuốc miễn dịch điều trị ung thư phổi và thận, Hodgkin lymphoma, bàng quang được đưa vào sử dụng. Nhiều loại thuốc miễn dịch khác đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trước khi ứng dụng.

Nhiều chuyên ra đã đưa ra kết luận rằng liệu pháp miễn dịch là tiến bộ mang tính đột phá trong điều trị một số loại ung thư.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch vẫn còn các hạn chế. Ví dụ, phản ứng ức chế chốt kiểm có thể tồn tại nhiều năm và tác dụng với nhiều loại ung thư nhưng không hiệu quả với mọi bệnh nhân. Theo bác sĩ Phạm Nguyên Quý, bác sĩ nội trú ung thư tại Bệnh viện Đại học Kyoto (Nhật Bản), khá nhiều bệnh nhân khi dùng thuốc ức chế chốt kiểm vẫn không kích hoạt được hệ miễn dịch. Nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch bị "trơ" hoặc quá yếu. Bên cạnh đó, giá thành liệu pháp miễn dịch vô cùng đắt đỏ, chưa kể nhiều trường hợp vẫn cần kết hợp với xạ trị, hóa trị để tăng hiệu quả.

 

Liệu pháp miễn dịch ra đời là một tia sáng hy vọng cho nhiều bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh quái ác mang tên ung thư. Đồng thời, sự ra đời của liệu pháp miễn dịch cũng không đồng nghĩa với việc những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... không còn hiệu quả. Theo sự tiến bộ của y học, các phương pháp điều trị ung thư ngày càng đa dạng, phong phú để có thể phù hợp với bệnh trạng của mỗi bệnh nhân và mỗi loại bệnh ung thư khác nhau.

 

>>> Xem thêm:

Tags: ung thư

Danh sách nhà thuốc