Rất nhiều phụ nữ mang thai gặp phải khó khăn do chứng suy giãn tĩnh mạch gây ra. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có tới 50% phụ nữ mang thai bị phù cổ chân và cẳng chân. Cụ thể, chân thường xuất hiện các búi tĩnh mạch giãn một cách bất thường. Nếu nhẹ thì chỉ làm cho bàn chân to lên và nặng sẽ khiến chân bị tê dại, gây khó khăn cho việc đi lại. Các biểu hiện này dễ nhận thấy ở người có làn da trắng, mỏng.
Điều trị và theo dõi
- Hầu hết giãn tĩnh mạch liên quan đến quá trình mang thai sẽ thường giảm hoặc tự khỏi sau khi sinh được vài tháng.
- Tuy nhiên, việc hỗ trợ điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân rất khó khăn vì hầu hết các thuốc đều chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai cho nên phòng bệnh là biện pháp an toàn nhất cho thai phụ.
Phòng bệnh
- Đi bộ để giúp máu lưu thông, tránh mang vác, xách đồ nặng. Khi mang thai bạn không nên gây sức ép cho đôi chân của mình. Nên từ bỏ đôi giày cao gót thay vào đó hãy lựa chọn đôi giày khiến đôi chân được thoải mái, dễ chịu.
- Nên lựa chọn loại trang phục có độ co giãn tốt, đặc biệt là quần. Bởi vì quần đàn hồi tốt sẽ hỗ trợ vùng bụng và làm giảm áp lực lên tử cung. Mặc vớ hỗ trợ, vớ áp lực hoặc các hình thức khác để ép các tĩnh mạch giúp máu không bị ứ đọng trong khi mang thai.
- Phấn đấu giữ trọng lượng ở mức khuyến cáo trong giai đoạn của thai kỳ, tránh việc tăng cân quá nhanh, chế độ ăn hợp lý để tránh táo bón. Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không nghỉ giải lao để di chuyển. Tập cử động các khớp cổ chân, co duỗi để máu lưu thông.
- Thai phụ nên tránh những chỗ nóng nực như: bếp lò, điều hoà và không nên dùng nước nóng quá hoặc quá lạnh để tắm, không nên tắm nóng…, vì nhiệt độ tăng có thể làm cho mạch máu giãn nở.
- Không ngồi bắt chéo chân hay mắt cá chân và nâng cao chân bất cứ khi nào có thể. Kê chân cao khi ngồi hay nằm sẽ làm cho các tĩnh mạch được nghỉ ngơi và giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân.
- Nằm ngủ nghiêng bên trái bằng cách để gối sau lưng giữ cho mình nghiêng về bên trái và kê cao chân. Vì tĩnh mạch chủ dưới ở phía bên phải, nằm nghiêng bên trái sẽ làm giảm sức nặng của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, do đó làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân và bàn chân.
- Ngoài ra, mang thai vào mùa lạnh có thể sẽ giảm được biến chứng giãn tĩnh mạch, vì thời tiết lạnh sẽ làm mạch máu co lại nên trương lực mạch tốt hơn.
Chị em cũng cần lưu ý, nếu thấy giãn tĩnh mạch không khỏi 3 tháng sau khi sinh con, phải đến gặp bác sĩ để tư vấn hỗ trợ điều trị.
Mời các bạn xem thêm: